Searching...

Hạ tầng giao thông ĐBSCL: “Nối” nhưng chưa “kết”

11:06:00
Những ngày đầu tháng 9 này, sự kiện hợp long cầu Cao Lãnh (bắc qua sông Tiền thuộc TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là niềm phấn khởi của người dân khu vực trung tâm ĐBSCL.
Cầu Cao Lãnh vừa được hợp long vào đầu tháng 9-2017
Cầu Cao Lãnh vừa được hợp long vào đầu tháng 9-2017
Dự kiến đến cuối tháng 9, cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, nối liền Đồng Tháp và Cần Thơ) cũng sẽ hợp long. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể về hạ tầng giao thông khu vực vẫn chưa hoàn thiện, chưa tạo ra được sự thông suốt trong đi lại của vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước.

Diện mạo đổi thay

Theo đánh giá của ngành GTVT, thời gian qua, hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã được cải thiện đáng kể. ĐBSCL có 4 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không. Về đường bộ, hệ thống kết cấu hạ tầng khung của vùng cơ bản đã hoàn thành, nhưng hầu hết các tuyến đường trục dọc và trục ngang đều chưa đạt về cường độ yêu cầu và tiêu chuẩn đường vào cấp quy hoạch. Về đường thủy nội địa và đường biển, hiện chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp, các tuyến vận tải sông, biển cũng chưa được quan tâm phát triển. ĐBSCL có 4 cảng hàng không, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải đến năm 2030. 

Theo Bộ GTVT, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, vùng ĐBSCL đã được đầu tư hoàn thành 46 dự án giao thông (chủ yếu là đường bộ - 39 dự án), với tổng vốn đầu tư khoảng 76.462 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là từ trái phiếu Chính phủ (47%) và ngân sách Nhà nước (19%); các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách còn chiếm tỷ lệ thấp (19%), chủ yếu tập trung tại các dự án BOT đường bộ và các dự án cơ sở hạ tầng hàng không do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Quản lý bay đầu tư. Riêng đường bộ đã đầu tư hoàn thành 39 dự án (khoảng 1.036km đường và 60,2km cầu được đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng) với tổng mức đầu tư 60.374 tỷ đồng. Ngoài ra, 19 dự án đường bộ đang tiếp tục triển khai gồm: 5 dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 2.127 tỷ đồng; 3 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 3.880 tỷ đồng; 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư 39.375 tỷ đồng; 6 dự án BOT với tổng mức đầu tư 20.728 tỷ đồng. 

Các công trình đã hoàn thành cấp bách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung như cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Năm Căn; tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam sông Hậu… phá thế ngăn sông cách trở, giúp người dân, doanh nghiệp vận tải hàng hóa, đi lại từ miền Tây về TPHCM không phải sử dụng độc đạo quốc lộ 1 như trước đây. Giai đoạn từ năm 2010 - 2015, tổng khối lượng vận tải của toàn vùng đạt trên 4.657 triệu lượt khách và gần 470 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt là 4,4%/năm đối với hành khách và 4,9%/năm đối với hàng hóa.
Hạ tầng giao thông ĐBSCL: “Nối” nhưng chưa “kết” ảnh 1Cầu Vàm Cống cùng với cầu Cao Lãnh sẽ kết nối giao thông khu vực trung tâm ĐBSCL 
Tháo gỡ nút thắt

Theo đánh giá của ngành giao thông và lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, hạ tầng giao thông dù đã có bước phát triển nhưng còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Theo đó, nút thắt lớn nhất là trục cao tốc TPHCM đi Cần Thơ. Trục này có 2 dự án, dự án thứ nhất là dự án Trung Lương đi Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng và dự án thứ 2 là dự án Mỹ Thuận đi Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quyết định tháo gỡ nút thắt, kết nối giao thông giữa khu vực ĐBSCL và TPHCM, đồng thời tạo ra giao thông đối ngoại với bên ngoài, góp phần phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của khu vực ĐBSCL. 

Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết, người dân đã phản ánh rất nhiều về đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các địa phương ở ĐBSCL về các dự án cao tốc này nhưng thời gian qua lại vướng mắc ở khâu vốn. Ông Thắng đề nghị phải gấp rút triển khai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, bởi nếu làm xong thì sẽ vực dậy ĐBSCL.

Với tuyến N2, tổng đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng, gồm có 2 cụm dự án chính, 1 cụm dự án là cầu Cao Lãnh và một đoạn tuyến tới Vàm Cống, tổng đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng cần thiết phải hoàn thành vào cuối năm 2017. Cùng với đó, cụm dự án từ Vàm Cống đến Kiên Giang với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 6.000 tỷ đồng, cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2018. Ngoài ra, phải triển khai các dự án nâng cấp quốc lộ 30 để kết nối giữa tuyến N2 với đường cao tốc TPHCM - Cần Thơ và quốc lộ 1.

Nút thắt tiếp theo là tuyến nối quốc lộ 1 tại Sóc Trăng theo quốc lộ 60 (qua Trà Vinh - Bến Tre) nối với quốc lộ 1 và cao tốc TPHCM - Cần Thơ, rút ngắn được quãng đường 70km từ Cà Mau đi TPHCM, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 7 tỉnh phía Đông ĐBSCL. Tuyến này phải làm sớm cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2. 

Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, trên thực tế, cơ cấu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo ngành còn nhiều bất cập khi nguồn vốn chủ yếu tập trung trong 2 lĩnh vực là đường bộ (chiếm 79%) và hàng hải (13%). Trong khi đó, đường thủy nội địa là thế mạnh của vùng chỉ chiếm 1% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn vừa qua. Do đó, ông Võ Hùng Dũng đề xuất ngành GTVT ngoài việc tập trung nguồn vốn hoàn thành các dự án đường bộ đã và đang triển khai, cần tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm về giao thông đường thủy và cảng biển nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT và nâng cao năng lực kết nối của vùng.
Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2017-2020, về giao thông đường bộ, sẽ hoàn thiện 5 trục dọc là tuyến N1, N2, quốc lộ 1, cao tốc TPHCM - Cần Thơ - Cà Mau và hành lang ven biển. 

Ngoài ra, hoàn thành đầu tư nâng cấp các tuyến trục ngang gồm các tuyến quốc lộ 30, 53, 54, 57, 61, 62, 63, 80, 91 đạt tiêu chuẩn cấp 3, quy mô 2 làn xe và tập trung nâng cấp quốc lộ 61 (đoạn Cần Thơ - Vị Thanh)...; hoàn thành các cầu lớn là Vàm Cống, Cao Lãnh, Đại Ngãi và Rạch Miễu 2. 

Về hàng không, tiếp tục đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ các cảng hàng không quốc tế: Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau… 

Về đường sắt, sẽ tiến hành nghiên cứu và tìm nguồn vốn để đầu tư tuyến TPHCM - Mỹ Tho, Cần Thơ vào thời điểm thích hợp. 

Về đường thủy nội địa, tiếp tục nâng cấp các tuyến vận tải thủy hiện có. 

Về đường biển, sẽ hoàn thành dự án luồng vào cảng trên sông Hậu, nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia…
Nguồn SGGP

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
// tạo Breaking News