Hối hả, hăng say và nhiệt huyết là không khí làm việc của hàng trăm cán bộ, công nhân và kỹ sư đang ngày đêm thầm lặng cống hiến sức trẻ với nỗ lực đưa cầu Cao Lãnh và Vàm Cống về đích đúng tiến độ.
2 trụ tháp chính cầu Cao Lãnh sừng sững bắc qua dòng sông Tiền |
Những ngày cuối năm, có mặt tại công trường xây dựng cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền thuộc địa phận TP. Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, hối hả của 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân và đơn vị tư vấn giám sát với mong muốn đẩy nhanh tiến độ, sớm kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông.
Đang làm nhiệm vụ giám sát căng cáp tại công trình, anh Nguyễn Tiến Tường - Phó giám đốc liên danh nhà thầu CRBC - Vinaconex E&C Dự án cầu Cao Lãnh cho biết: “Hiện tại, tiến độ chung của dự án đạt 74,74% (trong khi kế hoạch đặt ra là 74,48%). Trong đó, cầu dẫn đã hoàn thành 359/364 cọc khoan nhồi D1500, 32/34 bệ mố trụ, 32/32 thân trụ, 32/32 xà mũ trụ; sản xuất được 369/374 dầm Super T, lao lắp được 27/34 nhịp và hoàn thành được 26/34 nhịp bản mặt cầu. Cầu chính đã hoàn thành trụ tháp và trụ neo, dầm cầu chính hoàn thành được 10/65 đốt”.
Dự án cầu Cao Lãnh với nguồn vốn do Chính phủ Australia viện trợ không hoàn lại và vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á nên công tác kỹ thuật, đảm bảo an toàn lao động rất cao và luôn được đặt lên hàng đầu. Để bám sát đúng tiến độ dự án, toàn bộ công trường hiện có 300 người chia thành 2 ca làm việc.
Anh Nguyễn Văn Tâm - Chỉ huy trưởng nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc giới thiệu: “Đơn vị thực hiện thi công cọc khoan nhồi và bệ thân trụ tháp (phía bờ TP. Cao Lãnh), đến nay đã thi công gần 80% khối lượng, bám sát đúng tiến độ. Hiện chúng tôi đang triển khai 2 mũi thi công với hơn 90 cán bộ, công nhân, kỹ sư. Để đảm bảo tiến độ của dự án, năm nay Công ty có chế độ ưu đãi về tiền lương và tiền thưởng cho cán bộ, công nhân, kỹ sư làm công tác đúc dầm trên công trường trong dịp Tết Nguyên đán”.
Công nhân được trang bị bảo hộ đầy đủ để thực hiện công việc căng cáp trên cầu Cao Lãnh |
Gần 20 năm làm công việc cho nhà thầu Freyssinet (Pháp) với công việc căng cáp, anh Lê Hoàng Sỹ (49 tuổi, quê ở Vĩnh Long) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi thực hiện nhiệm vụ căng cáp tại cầu Mỹ Thuận, khi đó công nghệ của nước ngoài đưa vào Việt Nam còn rất mới đòi hỏi công nhân phải nắm vững kiến thức chuyên ngành mới áp dụng vào thực tế. Đến nay, chúng ta đã làm chủ được công nghệ và ngày càng được hiện đại hóa với hàng loạt các cây cầu dây văng hoàn thành đưa vào sử dụng. Các vị trí từ đơn giản đến phức tạp trên công trường đều do người Việt Nam đảm trách”.
Có mặt tại cầu Vàm Cống phía bờ Đồng Tháp, PV ghi nhận 2 trụ tháp chính cao 154m sừng sững bắc qua dòng sông Hậu đã được hoàn thiện. Hiện các nhà thầu đang triển khai các hạng mục để thời gian tới chuẩn bị tiến hành lao lắp dầm và căng cáp. Anh Vũ Trọng Tà - Phó Chỉ huy trưởng tại công trường cầu Vàm Cống thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, nhà thầu phụ thực hiện phía bờ Cần Thơ cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đơn vị đã thực hiện được 91% tiến độ, tuy nhiên để đảm bảo phần việc còn lại chúng tôi vẫn duy trì 75 công nhân, kỹ sư thi công lan can, dải phân cách, tấm mặt cầu đúc sẵn của cầu chính…”.
Uống vội cốc nước giải nhiệt sau nhiều giờ làm việc, anh Nguyễn Xuân Tuân (37 tuổi, quê Nghệ An) giãi bày: “Gắn bó với nghề công trình giao thông gần chục năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi đón Tết tại công trường bởi dự án gần về đích nên tiến độ công việc được đẩy nhanh. Hơn nữa, do quê xa, đi lại cũng tốn kém nên tôi muốn dành dụm thêm chút tiền gửi cho bố mẹ sửa sang nhà cửa và sắm Tết cho các em. Đón Tết xa nhà sẽ rất buồn nhưng anh em ở đây luôn yêu thương, đùm bọc, xem nhau như người một nhà, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi hoàn thành xong dự án cầu Cao Lãnh vào cuối năm 2017, tôi sẽ xin phép nghỉ một thời gian về quê tìm kiếm “một nửa còn lại” để ổn định cuộc sống, tiếp tục gắn bó với nghề”.
Những người làm nghề công trình giao thông là vậy, ước muốn rất giản đơn và mộc mạc, họ luôn thầm lặng cống hiến, góp một phần sức trẻ xây dựng nên những cây cầu, con đường ở mọi miền đất nước.
Dự án cầu Cao Lãnh và đường dẫn hai đầu cầu dài 7,8km với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng thực hiện trong thời gian 43 tháng với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với vận tốc thiết kế 80km/h dự kiến hoàn thành cuối năm 2017.Dự án cầu Vàm Cống có chiều dài 5,75km, được thiết kế dạng dây văng có chiều dài 2,97km, bề rộng mặt cầu 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án do Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và liên danh GS Engineering & Construction và Hanshin Engineering & Contrustion Co., Ltd (Hàn Quốc) hợp đồng xây dựng, công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2017.
|
Sakyso Group sưu tầm
Nguồn http://www.tapchigiaothong.vn/xong-cong-trinh-cau-cao-lanh-vam-cong-se-ve-que-lay-vo-d37887.html
loading...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét