Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối Đồng Tháp sang vùng phía Tây TP Cần Thơ sẽ khơi thông tuyến đường xuyên vùng Đồng Tháp Mười - Cần Thơ - Long Xuyên - Rạch Giá - Hà Tiên
Ngày 22-8, tại UBND tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Bộ GTVT,
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã họp bàn với chủ đầu tư và chính quyền địa
phương về công tác chuẩn bị khởi công cầu Vàm Cống.
Sau khi bàn giải quyết những khó khăn về vốn đầu tư và các phương
thức đền bù, giải phóng mặt bằng, cuộc họp đã thống nhất chọn ngày 10-9
để làm lễ khởi công xây cầu Vàm Cống. Theo chủ đầu tư - Tổng Công ty Đầu
tư và Phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long - đến thời điểm này, hồ sơ
chuẩn bị cho lễ khởi công đã hoàn tất, các công tác chuẩn bị đang được
triển khai.
Trong thế liên kết với cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền và mở rộng ra
là liên kết với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, “ăn” vào đoạn Chơn Thành
(Bình Phước) - Đức Hòa (Long An) tại vị trí thị trấn Mỹ An (Đồng Tháp),
việc khởi công xây dựng cầu Vàm Cống sẽ thổi bùng lên nhiều cơ hội đầu
tư, phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố an ninh - quốc phòng mạnh mẽ ở
khu vực này.
Mô hình cầu Vàm Cống, cây cầu nối thông tuyến đường huyết mạch của miền Tây
Theo các chuyên gia kinh tế, cầu Vàm Cống không chỉ tạo đà phát triển
cho các khu vực dọc hai bên bờ sông Tiền mà còn kích thích sự phát
triển toàn diện ở các khu vực bờ hữu sông Hậu, trong đó có cả tuyến biên
giới đất liền thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang. Cây cầu cũng sẽ đưa
đến nhiều cơ hội để sân bay Thốt Nốt và cảng Cái Cui của TP Cần Thơ phát
huy hết tầm quan trọng đối với kinh tế của khu vực này. Trong một tầm
nhìn xa hơn, ngay cả TP HCM cũng được lợi lớn từ cầu Vàm Cống.
Thông tin về việc khởi công cầu Vàm Cống đã làm nức lòng người dân
nơi đây. “Bộ mặt kinh tế, văn hóa vùng Sa Đéc, Lai Vung, Lấp Vò của Đồng
Tháp gắn liền trực tiếp vào phà Vàm Cống nơi phía bờ tả sông Hậu sẽ sớm
khởi sắc, phát triển trong một ngày không xa khi cây cầu được đưa vào
sử dụng” - thầy giáo Võ Phi Sơn, đang sống tại thị xã Sa Đéc, hào hứng
khi nghe tin cầu Vàm Cống sắp khởi công.
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, cán bộ hưu trí đang sống tại tỉnh Vĩnh Long,
cũng hồ hởi không kém: “Vùng mặt hậu Bình Tân, Bình Minh thuộc Vĩnh Long
giáp liền huyện Lai Vung của Đồng Tháp cũng được mở mang theo, vì thế
độc đạo của Quốc lộ 1 sẽ bị phá vỡ khi cầu Vàm Cống hoàn thành, đưa vào
sử dụng”.
Cựu nhà giáo Nguyễn Đông Triều (quê Thốt Nốt, nhà ở TP Long Xuyên)
phấn khởi: “Thế là phà Vàm Cống sẽ trở thành quá khứ như phà Cần Thơ,
hết cảnh chen lấn, ì ạch qua sông. Bà con hai bờ qua lại sông Hậu giao
lưu, làm ăn sẽ dễ dàng, mau chóng hơn rồi. Trên một con sông, cách nhau
chỉ trên dưới 60 km mà có tới 2 cây cầu hiện đại, hùng vĩ bắc qua. Thời
ông bà mình, chắc chưa ai từng dám mơ như vậy!”.
Tổng vốn đầu tư 860 triệu USD
Cầu Vàm Cống có công nghệ dạng dây văng và đường dẫn
quy mô tương tự cầu Cần Thơ, với tổng chiều dài 2,98 km, nhịp chính dài
450 m, đỉnh tháp cao 145,5 m. Nguồn tài chính thực hiện lên đến 860
triệu USD, trong đó từ Ngân hàng Phát triển châu Á là 410 triệu USD,
chính phủ Úc 134 triệu, chính phủ Hàn Quốc 260 triệu và vốn trong nước
56 triệu USD.
Song song với việc xây dựng cầu Vàm Cống, cầu Cao
Lãnh bắc qua sông Tiền cũng sẽ được thi công. Cầu Cao Lãnh có hình dạng,
quy mô tương tự cầu Mỹ Thuận.
|
LAN CHI
(Nguồn : Báo Lao động online )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét