Sau khi chấm dứt việc nâng cấp, mở rộng dự án quốc lộ 30 từ Tiền Giang đi Đồng Tháp theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ Giao thông Vận tải quyết định khởi động lại dự án đầu tư xây dựng mới tuyến đường kết nối An Hữu (Tiền Giang) - Cao Lãnh (Đồng Tháp) nằm song song quốc lộ 30 hiện hữu.
Quốc lộ 30 - Đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh Trithuc.net
“Đây là tuyến đường chính kết nối giữa hai cao tốc (trong tương lai), gồm cao tốc phía Đông, tức cao tốc nối TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ và tuyến cao tốc phía Tây, kết nối từ Chơn Thành (Bình Phước) về đến tỉnh Kiên Giang”, ông nói.Báo cáo tại buổi làm việc giữa Ban quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông Vận tải với UBND tỉnh Tiền Giang về việc đầu tư xây dựng tuyến đường mới An Hữu - Cao Lãnh diễn ra ở Tiền Giang vào chiều nay, 12-9, ông Huỳnh Trung Hưng, Phòng thiết kế của Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Công trình 625, đại diện đơn vị tư vấn, cho biết trong quyết định phê duyệt của Chính phủ vào năm 2009, thì tuyến đường nêu trên đã được đưa vào quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông vận tải của Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Hưng cho hay việc xây dựng tuyến đường mới này nhằm phân bổ lưu lượng xe giữa hai cao tốc phía Đông và phía Tây, cụ thể là giúp giảm tải lưu lượng xe lưu thông trên quốc lộ 30 vì tuyến đường này hiện chỉ có 2 làn xe. Ông Hưng dẫn số liệu thống kê của Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho thấy, tổng lưu lượng xe ô tô trên đoạn từ An Hữu đi Cao Lãnh trong quí 2-2018 đạt xấp xỉ 8.560 xe/ngày đêm, trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, lưu lượng xe trên đoạn này là 6.670 xe/ngày đêm.
“Như vậy tốc độ tăng xe thời gian vừa qua khoảng trên 20%. Nếu sắp tới thông xe toàn bộ cao tốc phía Đông và phía Tây, lưu lượng xe sẽ còn gia tăng rất lớn trên quốc lộ 30. Do đó, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có quyết định cho triển khai lại dự án này”, ông nói.
Về hướng tuyến, điểm đầu tuyến mới này kết nối với quốc lộ 1 tại Km 2020+912 (tức cách ngã ba An Hữu - điểm đầu quốc lộ 30 hiện hữu - 1,2 km về phía TPHCM); điểm cuối tại Km 30+747, kết nối với cầu Cao Lãnh. Dự án có tổng chiều dài khoảng 31 km, trong đó, đoạn qua Tiền Giang dài 9 km.
Về phương án giải phóng mặt bằng, đơn vị tư vấn khuyến nghị giải phóng mặt bằng một lần tương đương với quy mô theo quy hoạch 4 làn xe, chiều rộng nền là 23 mét.
Còn về tổng mức đầu tư, dự kiến dự án có tổng mức đầu tư từ trên 4.303 đến trên 6.335 tỉ đồng, tùy phương án đầu tư.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết về hướng tuyến, địa phương thống nhất với hướng tuyến được tư vấn đưa ra, đồng thời nhất trí việc giải phóng mặt bằng một lần bằng với quy mô quy hoạch của dự án. Còn về quy mô đầu tư, thì Bộ Giao thông Vận tải cân đối quyết định, địa phương sẽ ủng hộ.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, do dự án mới được khởi động lại và đang trong giai đoạn nghiên cứu chủ trương đầu tư, ông đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang và huyện Cái Bè xem xét việc áp giá đền bù hợp lý, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, vào cuối năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định chấm dứt việc triển khai nâng cấp, mở rộng quốc lộ 30 hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT.
Nguồn tin www.thesaigontimes.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét