Searching...

Bứt phá hạ tầng giao thông khu vực phía Nam

01:25:00

42 năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hệ thống giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ĐBSCL đã được đầu tư nâng cấp đáng kể. Những cây cầu lớn dần thay thế các chuyến phà xưa...


301

Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Ảnh: Hoàng Hải

Hình thành tuyến cao tốc phía Tây ĐBSCL
Ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh quy mô Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi từ 2 làn xe với mặt đường 11m lên thành 4 làn xe, mặt đường 15,5m. Đây là tuyến đường được đầu tư hoàn toàn mới song song QL80 từ cầu Vàm Cống (TP Cần Thơ) đến huyện Châu Thành (Kiên Giang) có chiều dài gần 54km.
Ông Trần Văn Thi, Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cho rằng, việc điều chỉnh này là phù hợp với quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bởi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trùng với quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam hướng Tây với lộ trình đầu tư hoàn chỉnh trước năm 2020. Đồng thời, theo tư vấn tính toán về nhu cầu vận tải đến năm 2023, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi phải đạt tối thiểu 4 làn mới đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Cùng với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Bộ GTVT đang triển khai Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông bao gồm cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tuyến nối hai cầu với tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2013, dự kiến tháng 11/2017 hoàn thành. Toàn bộ 28km cầu và đường của dự án này đều đầu tư với quy mô 4 làn xe ô tô. Như vậy, từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Châu Thành (Kiên Giang) với chiều dài hơn 80km sẽ được đầu tư với 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc hạn chế cho vùng phía Tây ĐBSCL.
Trong vài năm tới, khi tuyến đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành (Bình Phước) đi Đức Hòa (Long An) được đầu tư hoàn chỉnh, phương tiện từ Tây Nguyên, Đông Nam bộ sẽ đi đến Củ Chi (TP HCM) theo tuyến N2 qua vùng Đồng Tháp Mười đến Cao Lãnh, Vàm Cống để đi vùng tứ giác Long Xuyên một cách thuận lợi.
Cấp thiết xây cao tốc, nối thông quốc lộ phía Đông
Trong khoảng 20 năm qua, hệ thống giao thông từ TP.HCM về các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ đã được đầu tư khá lớn. Những cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Lợi… đã dần thay thế các chuyến phà. QL1 đã được mở rộng mỗi bên 2 làn xe có dải phân cách giữa. Nếu như thời điểm giải phóng miền Nam 1975 từ TP.HCM về Cần Thơ mất cả ngày trời thì nay chỉ hơn 3 giờ đồng hồ.
Tuy vậy, trong giai đoạn phát triển mới, hệ thống giao thông đang từng ngày bị quá tải. Theo quy hoạch phát triển giao thông vùng ĐBSCL sẽ có 4 tuyến trục dọc từ TP.HCM về Cà Mau, Kiên Giang. Hiện, đã có tuyến QL1 là tuyến trục dọc xuyên suốt từ TP.HCM đến Cà Mau. Sau khi cầu Cao Lãnh, Vàm Cống hoàn thành cùng với Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ có thêm tuyến trục dọc thứ hai. Tiếp đó là tuyến N1 chạy dọc biên giới Campuchia đang được Bộ Quốc phòng đầu tư sẽ thêm trục dọc thứ ba. Riêng trục thứ tư ở phía Đông là QL60 từ Bến Tre về Trà Vinh đến Sóc Trăng hiện vẫn chưa liền mạch do cầu Đại Ngãi chưa được xây dựng. Bộ GTVT đang khẩn trương tìm nguồn vốn để nối thông quốc lộ này.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (ĐH KHXH&NV TP HCM), việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có sự gắn kết giữa TP.HCM với các địa phương ở hai vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ. Bởi TP HCM là đầu mối giao thương không thể tách rời. Để phục vụ sự phát triển này đòi hỏi hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là đường cao tốc phải được đầu tư đồng bộ.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá thực tế hệ thống cao tốc khu vực phía Nam chưa được đầu tư mạnh như phía Bắc. Trong khi từ Hà Nội đã có nhiều đường cao tốc đi về các hướng, TP.HCM chỉ mới có hơn 40km cao tốc đi về đến Tiền Giang và 50km cao tốc về đến Dầu Giây (Đồng Nai). Các dự án cao tốc như: Trung Lương - Mỹ Thuận; Bến Lức - Long Thành đang được đầu tư. Các đoạn khác như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dầu Giây - Phan Thiết đã có kế hoạch đầu tư nhiều năm nhưng chưa được triển khai trên thực địa.
Trong chuyến kiểm tra thực địa dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cuối tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT khẩn trương phê duyệt điều chỉnh dự án trong tháng 3/2017; Bộ KH-ĐT xem xét để cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án điều chỉnh. Đồng thời, Phó thủ tướng chỉ đạo nhà đầu tư chủ động huy động mọi nguồn lực để triển khai dự án như cam kết trong hợp đồng đã ký; bảo đảm đưa dự án vào khai thác trong năm 2019.
Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ GTVT khẩn trương lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS); tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án, đảm bảo khai thác đồng bộ với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2019.

Nguồn http://www.baogiaothong.vn/but-pha-ha-tang-giao-thong-khu-vuc-phia-nam-d206443.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
// tạo Breaking News