Searching...

Thay vì làm hầm qua sông, Đà Nẵng nên mở rộng gấp đôi cầu Sông Hàn?

06:57:00
Thay vì bỏ 4.000 tỉ đồng làm hầm qua sông Hàn rất phí phạm, Đà Nẵng nên dành kinh phí mở rộng gấp đôi cầu Sông Hàn - KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam đưa ra đề xuất táo bạo.
“Thành ủy không nghe gì các nhà khoa học cả!”
Sáng 17/12, tại hội thảo về quy hoạch và phát triển đô thị tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia trong và ngoài TP tiếp tục bày tỏ không đồng tình với việc lãnh đạo TP Đà Nẵng quyết định xây hầm qua sông Hàn mặc dù cuộc thi tuyển quốc tế phương án đầu tư công trình giao thông vượt sông Hàn chỉ có 1/7 phương án dự thi đề xuất làm hầm (còn lại đều làm cầu) và không có phương án nào đoạt giải!
Ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Đà Nẵng cho hay, tháng 3/2016, Hội này được Ủy ban MTTQVN TP và Liên hiệp các Hội KHKT TP Đà Nẵng mời dự đóng góp ý kiến cho phương án xây hầm qua sông Hàn do Công ty CP tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- thuộc Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT – Bộ GTVT) đưa ra, nối từ đường Đống Đa ở bờ Tây sang đường Vân Đồn ở bờ Đông.
Theo ông, lãnh đạo TP và Sở GTVT muốn giữ thoáng đoạn sông từ cầu Sông Hàn đến cầu Thuận Phước để phục vụ du thuyền, pháo hoa... Nhưng BRITEC đưa ra thiết kế hầm theo hình chữ Z với bán kính chỉ có 150m, độ dốc lên đến 5%. Sau này xe tải lớn, xe container đi làm sao được? Nếu làm hầm thẳng, độ dốc chỉ tối đa 3% thì Hội ủng hộ, còn hầm chữ Z thì Hội kiên quyết phản đối vì việc khai thác sau này sẽ có vấn đề, chưa kể sự cố, tai nạn giao thông gây ách tắc khiến hầm không khai thác được. Ngoài ra, dùng phần mềm có thể vẽ được hầm cong hình chữ Z nhưng thi công sẽ vô cùng khó, nhất là trong việc hợp long. 

Ông Trần Dân nêu rõ: “Chúng tôi thấy nếu làm như đồ án của BRITEC sẽ thất bại trong tương lai. Lúc đó ai chịu trách nhiệm với một dự án lên tới 4.000 – 5.000 tỉ? Sau đó TP tổ chức cuộc thi thì có 6/7 đồ án đề nghị làm cầu qua sông Hàn, chỉ có BRITEC tiếp tục đề nghị làm hầm. Điều đó chứng tỏ các nhà khoa học trong nước và thế giới cũng có suy nghĩ cần phải làm như thế nào cho phù hợp để phục vụ giao thông đô thị Đà Nẵng. Nhưng gần đây đọc báo, tôi lại thấy Thành ủy quyết định làm hầm qua sông Hàn. Tôi rất buồn, vì điều đó chứng tỏ Thành ủy không nghe gì các nhà khoa học cả!”.
Ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Đà Nẵng: "Tôi rất buồn, vì Thành ủy không nghe gì các nhà khoa học cả!” (Ảnh: HC)
Bài học kinh nghiệm từ hầm Thủ Thiêm
Ông Hà Ngọc Trường, Ủy viên Thường vụ Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM, Trưởng nhóm chuyên gia theo dõi công tác thiết kế, thi công, duy tu, bảo dưỡng và hiệu quả hoạt động của hầm Thủ Thiêm (nay tên gọi chính thức là hầm vượt sông Sài Gòn) cho hay, ông từng đón 2 đoàn của Đà Nẵng vào học tập kinh nghiệm làm hầm vượt sông.
Theo ông, hầm vượt sông Sài Gòn được đưa vào sử dụng ngày 20/11/2011. Đây là một hầm thẳng, dài 1.5030m (trong đó có 4 nhịp hầm dìm dưới lòng sông, độ dốc ra vào hầm 3,5%) nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt, nối trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 1 đi về phía Cần Thơ. Kinh phí xây dựng 200 triệu USD từ nguồn vốn ODA (với giá năm 2011 tính ra hiện nay khoảng 4.500 tỉ đồng). Hầm được xây dựng trong thời gian 5 năm.
Vị trí mà TP.HCM xây hầm Thủ Thiêm không thể làm cầu được, do đây là nơi quay đầu của các tàu hàng lớn và tàu du lịch, nếu làm cầu thì tĩnh không phải lên tới 45m, đòi hỏi phải giải tỏa rất lớn để làm đường dẫn hai đầu cầu. Thứ hai, đây là chỗ du lịch, cần mặt sông thông thoáng nên bắt buộc phải làm hầm. Thứ ba, làm hầm phải xác định kinh phí cực kỳ đắt, gấp 2,5 - 3 lần làm cầu. Thứ tư, kinh phí duy tu bảo dưỡng hầm Thủ Thiêm lên tới 55 tỉ đồng/năm, trong đó tiền điện là 17 tỉ đồng vì hệ thống thông gió tốn rất nhiều điện!
“Từ đó TP.HCM có một bài học: Làm hầm hay làm cầu là chủ trương cần hết sức thận trọng. Nếu làm hầm như đồ án của BRITEC thì tôi cũng đồng ý là không nên, vì với bán kính 150m sẽ rất khó khăn để giữ cho không xảy ra tai nạn trong hầm do tầm nhìn bị hạn chế. Nếu có điều kiện địa hình để làm hầm thẳng, độ dốc dưới 4% thì hãy làm. Và chỉ làm hầm nếu chỗ đó không thể làm cầu được. Tôi nghĩ lãnh đạo Đà Nẵng nên cân nhắc chứ không nên quyết ngay. Làm cầu sau này còn có thể dỡ đi được chứ làm hầm thì hết!” – ông Hà Ngọc Trường nói.
Bên cạnh đó ông cho hay, TP.HCM đã kết nối được hầm vượt sông Sài Gòn với tuyến metro số 2 đi từ An Dương xuyên qua Bến Thành và nối sang khu đô thị mới Thủ Thiêm để trở thành tuyến trục phục vụ cho hệ thống công trình ngầm của TP này. Từ đó ông kiến nghị, nếu Đà Nẵng quyết định xây hầm qua sông Hàn thì cần kết hợp đồng bộ với hệ thống metro của TP để tăng hiệu quả, chứ nếu chỉ làm hầm phục vụ cho hoạt động vận tải qua hai bờ sông thì hiệu quả sẽ rất thấp. Chỉ khi có được một sự đồng bộ và hiệu quả như vậy thì hãy tính chuyện làm hầm qua sông Hàn!
Nên mở rộng gấp đôi cầu Sông Hàn thay vì làm hầm chui qua sông?
KTS Hoàng Sừ, người từ Đà Nẵng được phân công vào Quảng Nam công tác khi chia tách tỉnh năm 1997, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho rằng, Đà Nẵng không nên xây dựng hầm mà cũng chẳng xây thêm cầu ở khu vực nêu trên; hoặc nếu xây dựng thì cũng không nên ở thời điểm này mà phải 10 – 15 năm sau, khi thực sự có nhu cầu.
KTS Hoàng Sừ đề xuất thay vì làm hầm, Đà Nẵng nên dành kinh phí mở rộng gấp đôi cầu Sông Hàn (Ảnh: HC)
“Một cái hầm tiêu hết 4.000 tỉ đồng chỉ để phục vụ cho một nhóm dân ở góc quận Sơn Trà đến cảng Tiên Sa, tôi cho là một sự phí phạm rất lớn. Tôi không biết căn cứ nào để các nhà tư vấn tham mưu cho chính quyền quyết định làm hầm như vậy? Tôi đảm bảo rằng nếu ngay từ bây giờ không giải quyết việc ùn tắc giao thông của Đà Nẵng trên toàn hệ thống thì có làm cầu hay làm hầm thì cũng bằng thừa, vẫn sẽ ách tắc ngay sau đó. Vì vậy tôi đề nghị Đà Nẵng nên để việc xây hầm hay cầu cho tương lai sau này!” – KTS Hoàng Sừ nói.
Trước mắt, ông đề xuất một phương án hết sức táo bạo: “Nên dành nguồn kinh phí 4.000 tỉ để mở rộng gấp đôi cầu Sông Hàn. Chính cầu Sông Hàn mới có lưu lượng lớn nhất và xứng đáng để mở rộng, số tiền còn lại làm tất cả các nút giao khác mức ở các đầu cầu, ở hai đầu đường Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương... Tôi tin nếu làm những việc đó ngay từ bây giờ thì việc ùn tắc giao thông ở Đà Nẵng sẽ được giải quyết ngay chứ chẳng có vấn đề gì phải bỏ 4.000 tỉ ra làm cái hầm đó rất lãng phí!”.
TP Đà Nẵng hiện còn nhiều việc bức xúc phải làm hơn là hầm qua sông Hàn
Cuộc thi tuyển quốc tế phương án đầu tư công trình giao thông vượt sông Hàn không có phương án nào đoạt giải. Như vậy là quá vội vàng, cập rập nên chất lượng cuộc thi không đạt được kết quả như mong muốn. Các vị lãnh đạo TP muốn có một công trình tầm cỡ, điều đó rất hoan nghênh, nhưng đã bức xúc chưa?
TP còn nhiều việc bức xúc phải làm như bãi đậu xe, khu xử lý rác thải, nước thải ô nhiễm ở sông Phú Lộc, nước thải đổ ra biển, trật tự trị an, an sinh xã hội.. Trong khi đó phương án chọn thì chưa rõ lắm, không có trong quy hoạch, kinh phí quá lớn, sự đồng thuận của người dân chưa cao. Theo tôi, lãnh đạo TP nên tiếp tục nghiên cứu cho kỹ để tránh phá vỡ quy hoạch, không có gì phải vội vàng, cần lấy ý kiến thêm các chuyên gia, ý kiến của nhân dân trên tinh thần cầu thị.
Chúng ta nên nhớ rằng trong toán học, đối ngược với cái đúng là sai, đối ngược với cái sai là đúng; nhưng trong bài toán quy hoạch, đời sống xã hội thì đối ngược với đúng là sai, đối ngược với cái sai chưa hẳn là cái đúng vì bên cạnh cái đúng bao giờ cũng có nhiều cái sai kèm theo, vì vậy mới có câu chuyện từ sai lầm này đến sai lầm khác. Ông bà ta thường hay nói “dục tốc bất đạt” nghĩa là làm việc gì nhanh quá sẽ không thành công!
(Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng)
HẢI CHÂU
Sakyso Group sưu tầm 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
// tạo Breaking News