Searching...

Hàng trăm cầu "già", cầu yếu chờ được cứu

09:51:00
Trước vụ việc các phương tiện thủy liên tiếp gây sự cố sập, hỏng cầu xảy ra gần đây, Bộ GT-VT vừa có yêu cầu các đơn vị phải báo cáo thống kê tất cả cầu yếu, cầu có nguy cơ khiến tàu thủy va đâm, dẫn đến gãy sập trước ngày 30-4. Ước tính, cả nước có hàng trăm cầu "già", cầu yếu nhưng đang phải gồng mình làm việc.
 
Cầu Đuống luôn trong tình trạng quá tải, bất kể cầu đã “ốm yếu”.

Hồi chuông cảnh báo

Chỉ trong ít ngày đầu tháng 3-2016, hai vụ tai nạn giao thông đường thủy làm hư hại nghiêm trọng cầu An Thái (tỉnh Hải Dương) và Cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy. Tất nhiên, cả hai vụ việc trên đều có lỗi lớn từ các chủ tàu, lái tàu đã coi thường pháp luật khi điều khiển phương tiện chạy sai hành trình, tàu hết hạn đăng kiểm, thậm chí lái tàu không có chứng chỉ điều khiển. Nhưng, có một thực tế là trên toàn bộ hệ thống sông, ngòi nội địa còn rất nhiều các cầu "già", cầu yếu, không bảo đảm an toàn.

Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cho biết, cả nước có 251/532 cầu và công trình vượt sông nằm trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia có tĩnh không thông thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật. Hiện nay, các phương tiện vận tải thủy ngày một tăng cả kích thước, chủng loại và số lượng, trọng tải chủ yếu từ 400 đến 2.000 tấn. Do vậy, các cầu này đã gây cản trở cho vận tải ĐTNĐ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn...

Theo ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, toàn mạng lưới đường sắt hiện có 1.920 cầu đường sắt, đến nay có khoảng 1.000 cầu đã được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 180 cầu yếu cần được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp. Riêng trên tuyến đường sắt Thống Nhất có 147 cầu, gồm 85 cầu thuộc các dự án đang triển khai và 62 cầu chưa có trong dự án nào. Hiện có 13 cầu đường sắt cần làm ngay trụ chống va và tĩnh không thông thuyền để bảo đảm giao thông đường thủy và đường sắt.

Tại khu vực miền Bắc, nói đến cầu "già", cầu yếu phải nhắc đến Cầu Đuống, Cầu Hồ trên Sông Đuống; cầu đường sắt Bắc Giang trên Sông Thương; cầu Ninh Bình trên Sông Đáy; Cầu Bình trên sông Kinh Thầy; cầu Long Biên trên Sông Hồng; cầu Triều Dương trên Sông Luộc… Khu vực miền Trung có cầu Đò Lèn trên Sông Lèn; cầu Hàm Rồng trên Sông Mã; cầu Yên Xuân trên Sông Lam... Khu vực miền Nam ngoài Cầu Ghềnh còn có cầu sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn; cầu Măng Thít trên sông Măng Thít; cầu Hồng Ngự trên kênh Hồng Ngự Vĩnh Hưng; cầu Long An trên kênh Tháp Mười số 1... Trong những cây cầu kể trên có những cây cầu đã ngoài 100 tuổi.

Rà soát để có phương án hữu hiệu

Những năm qua, Bộ GT-VT đã sử dụng nhiều nguồn vốn để cải tạo, sửa chữa và thay thế nhiều cầu "già", cầu yếu nhưng cũng chỉ "như muối bỏ bể" so với yêu cầu. Trong khi đó, nguy cơ đâm va tàu vào cầu rất lớn do việc điều tiết luồng, lạch thủy luôn phức tạp và thay đổi theo thời gian.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng nói: Để bảo đảm an toàn cho các cây cầu yếu bắc qua sông, các cơ quan chức năng phải xây dựng ngay những trụ chống va trôi dạng mũi thuyền ở cả hai chiều để đề phòng tình huống tàu thủy, sà lan lao vào cầu sẽ không thể đâm được vào trụ chính. Phải lắp đặt hệ thống biển cảnh báo, phao tiêu, cơ quan quản lý phải quy định rõ về tuyến luồng cho các phương tiện đường thủy qua khu vực cầu yếu.

Tại cuộc họp mới đây nhằm đánh giá và tìm ra giải pháp cho vấn đề cầu "già", cầu yếu, Thứ trưởng phụ trách Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, trước ngày 30-4, các đơn vị phải báo cáo thống kê về Bộ tất cả cầu nào có nguy cơ tàu va đâm, dẫn đến gãy, sập. Đồng thời, giao Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục có văn bản tham mưu cho Bộ đề nghị các địa phương chấn chỉnh lại hoạt động quản lý nhà nước nhằm có thể "vươn tay" đến tất cả con sông có vận tải đường thủy. Doanh nghiệp nào cố tình vi phạm sẽ xử phạt thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi giấy phép điều khiển phương tiện. Trước mắt, Cục ĐTNĐ Việt Nam kiểm tra tất cả vị trí nào có nguy cơ va đập thì có trạm điều tiết 24/24 giờ ở hai đầu để chống va xô; hoàn thiện hệ thống phao tiêu, sơn phản quang rõ để cảnh báo ban đêm; có cảnh báo từ xa đối với tĩnh không thông thuyền. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có gói tín dụng (ngoài việc trông chờ vốn ODA) để đầu tư nhằm giải quyết dứt điểm các cầu yếu, ưu tiên trước mắt là cầu của ngành đường sắt, cầu có trụ yếu và tĩnh không không bảo đảm.

Trong khi chờ các biện pháp mạnh tay, nguy cơ đâm, va làm sập cầu "già", cầu yếu vẫn sẽ là nỗi lo thường trực của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.
 
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam: Về lâu dài, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, điều hành phương tiện. Cục ĐTNĐ đã đề xuất Bộ GT-VT xây dựng đề án lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và trang thiết bị liên lạc VHF đối với phương tiện thủy trọng tải từ 300 tấn trở lên và phương tiện chở nhiều khách. Giá trị của các thiết bị này chỉ khoảng 10 triệu đồng, nếu so với những con tàu có trị giá từ vài tỷ đồng, chở hàng trăm tấn hàng hóa, thì đây không phải là chi phí bất hợp lý, nhưng lại giúp quản lý, cảnh báo phương tiện trong các trường hợp nguy hiểm.
Theo Hà Nội mới

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
// tạo Breaking News