Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức làm việc với các đơn vị, địa phương phía Nam
Thứ tư, 06/07/2011
Thứ tư, 06/07/2011
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ
Tại TP.Hồ Chí Minh, trong vai trò chủ sở hữu, ngày 1/7/2011 Đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Thường trực Ngô Thịnh Đức dẫn đầu cùng với các cục, vụ chức năng của Bộ đã làm việc với Cienco6 và Ban QLDA 7.
Cienco6, nhiều khó khăn do bị nợ
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư Đảng ủy - TGĐ Cienco6 phản ánh thực trạng hết sức khó khăn của Tổng công ty cần được xem xét để tháo gỡ. Số nợ tồn đọng từ các công trình mà chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT lên đến 295 tỷ đồng, các chủ đầu tư khác 100 tỷ đồng, các công trình vốn địa phương cũng gần 100 tỷ đồng. Tình hình này khiến doanh nghiệp thiếu vốn thi công, vay ngân hàng thì lãi cao, rủi ro lớn, lợi nhuận giảm.
Tuy nhiên 6 tháng đầu năm, nhiều đơn vị thành viên của TCT đã làm ăn có lãi, giá trị tổng sản lượng đạt 2.397,8 tỷ đồng, đạt 51,02%.
Trong phần kiến nghị chủ sở hữu, Cienco6 mong muốn được tạm thời trả lại bảo lãnh thực hiện hợp đồng thi công đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (gói 16), đây là công trình tạm dừng, giãn tiến độ do chưa bố trí được nguồn vốn.
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã chỉ đạo các vụ, cục liên quan xem xét giải quyết các kiến nghị của Cienco6, như vấn đề khoanh nợ, giãn nợ vay ODA Trung Quốc năm 2000 mua thiết bị cho các công ty con. Ước tính mỗi năm Cienco6 phải trả lãi 5 tỷ đồng mà chưa kể lãi phạt khoảng 2 tỷ đồng nữa, tạm thời trả lại bảo lãnh thực hiện hợp đồng thi công đường Hồ Chí Minh...
Giao Cục QLXD xem xét cụ thể báo cáo Bộ, để có thể làm việc với JICA thương thảo việc xóa phạt chậm tiến độ cầu Cần Thơ của Liên danh Cienco6 - Cienco8 - Thăng Long (riêng Cienco6 chịu phạt 9,6 tỷ đồng). Các vụ nhanh chóng xem xét duyệt thanh toán dứt điểm phần bù trượt giá vật liệu tại các công trình nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho TCT.
Giao Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo tổng thể về quy chế giám sát của chủ sở hữu với doanh nghiệp.
Ban QLDA 7, đề nghị có quyết định về công trình giãn tiến độ
Chiều cùng ngày Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với Ban QLDA 7, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Ban QLDA 7 báo cáo với Thứ trưởng về tình hình các dự án đã hoàn thành, còn tồn tại phải xử lý, đã quyết toán, chờ bổ sung vốn thanh lý hợp đồng; các dự án đang triển khai, các dự án chuẩn bị đầu tư, dự án BOT tỉnh ứng vốn... Ban QLDA 7 cũng đề nghị Bộ GTVT công bố quyết định chính thức các công trình giãn tiến độ thi công, kiến nghị Liên bộ Tài chính, KHĐT có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện giãn tiến độ cũng như bổ sung kinh phí phát sinh trong GPMB, đảm bảo giao thông, trượt giá...
Hiện nay, Ban cũng đang nợ các nhà thầu với các dự án đã hoàn thành, cần bố trí vốn để quyết toán cho nhà thầu, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ban QLDA 7 hiện đang là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT, nhưng chưa có kinh phí hoạt động, đề nghị Tổng cục ĐB, Bộ GTVT cần xem xét vấn đề này. Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã ghi nhận các kiến nghị và giao cho các cục, vụ chức năng xem xét tham mưu giải quyết.
Khởi động dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 2/7, tại Đồng Tháp đoàn công tác Bộ GTVT tiếp tục làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và TP.Cần Thơ để bàn giải pháp cho việc khởi động giai đoạn 1 dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL.
Dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL giai đoạn 1 được chia làm 3 dự án thành phần gồm: xây dựng cầu Cao Lãnh, xây dựng tuyến nối Cao Lãnh - cầu Vàm Cống, xây dựng cầu Vàm Cống.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, cầu Cao Lãnh được thiết kế theo kiểu cầu dây văng, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Dự án có điểm bắt đầu từ nút giao với QL30 đến điểm cuối là giao với tỉnh lộ 849 với tổng chiều dài 7,8km, trên địa phận tỉnh Đồng Tháp. Dự án thành phần 2 là xây dựng tuyến nối cầu Cao Lãnh vào cầu Vàm Cống với chiều dài 15,6km, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Dự án thành phần 3 là xây dựng cầu Vàm Cống, theo tiêu chuẩn cầu dây văng 2 mặt, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Điểm đầu là điểm cuối của tuyến nối cầu Cao Lãnh và điểm cuối kết nối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thuộc địa bàn quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ. Chiều dài của dự án thành phần 3 khoảng 5,8km. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ cả 3 dự án là 1.366 tỷ đồng.
Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện tại đang tuyển chọn tư vấn để thực hiện bước thiết kế kỹ thuật. Chủ đầu tư đang tập trung làm việc với chính quyền địa phương để tiến hành cắm mốc GPMB. Tổng diện tích mặt bằng cần cho cả 3 dự án thành phần khoảng 210,48ha, trong đó, địa bàn tỉnh Đồng Tháp 177ha, TP.Cần Thơ là 33ha.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và TP.Cần Thơ cam kết sẽ phối hợp với chủ đầu tư để tiến hành cắm mốc GPMB đúng tiến độ. Về kinh phí đền bù GPMB, ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước mắt sẽ trích từ quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để hỗ trợ ngành Giao thông trong tình hình khó khăn hiện nay. Phía TP.Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND cũng cho biết, sẽ xin ý kiến của Thường vụ Thành ủy về vấn đề này, nhưng sẽ tạo điều kiện tối đa để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ tích cực từ các địa phương. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị trong tháng 7 này sẽ kết thúc việc điều chỉnh phạm vi GPMB, đến tháng 9 sẽ bàn giao mốc cho các tỉnh để tiến hành kiểm kê, áp giá.
Thứ trưởng cũng yêu cầu hai tỉnh thành lập ngay ban chỉ đạo GPBM để triển khai công tác được thuận lợi. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc cung cấp nguồn lao động tại địa phương trong quá trình thực hiện dự án.
Minh Nghĩa - Phan Tư
0 nhận xét:
Đăng nhận xét